Tâm huyết với bài viết của Tổng Bí thư

Thay đổi căn bản đời sống từ khai thác tiềm năng và lợi thế biển

NGUYỄN TRỌNG HÁN - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Hải, Bạc Liêu

NGUYỄN TRỌNG HÁN - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Hải, Bạc Liêu

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu kinh tế quốc tế. Xu thế tất yếu đó đã mang lại nhiều thành quả to lớn nhưng cũng đặt ra không ít vấn đề cần phải điều chỉnh, giải quyết trong quá trình phát triển.

Cánh đồng muối ở Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN.
Cánh đồng muối ở Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những luận điểm căn bản về phát triển, vừa có tính bao quát, vừa gần gũi, từ thực tiễn Việt Nam. Ðó là sự phát triển thực sự vì con người. Sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường…

Thông điệp trong bài viết của Tổng Bí thư thật sự ý nghĩa đối với thực tế đang diễn ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện ven biển Ðông Hải (Bạc Liêu).

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bạc Liêu về xây dựng huyện Ðông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, từ năm 2017, huyện đã xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, nhằm huy động nguồn lực, tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng phát triển. Với mục tiêu phát triển mạnh các ngành kinh tế biển và ven biển theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, chú trọng các ngành nghề thế mạnh như: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và sản xuất muối.

Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển du lịch và đời sống mọi mặt của nhân dân, không triển khai các dự án có tác động xấu đến môi trường… Gắn với kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Ðông Hải từng bước hình thành hai vùng chuyên canh nuôi tôm.

Các xã phía đông nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh. Các xã phía tây nuôi tôm quảng canh cải tiến chất lượng cao với hình thức nuôi thu tỉa thả bù, ghép các loại thủy sản, phát triển sản xuất gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi giá trị.

Ðể kinh tế biển phát triển bền vững, hiệu quả, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ, từ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, cảng cá, đến chủ động nguồn giống thủy sản có chất lượng cao; nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản, thực hiện chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường theo hướng khai thác hải sản xa bờ, khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu có sản lượng ổn định và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại thủy sản.

Chọn hướng phát triển đúng, phù hợp thực tiễn, với cách làm hiệu quả, đã thay đổi căn bản đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng duyên hải nhiều tiềm năng. Năm 2020, huyện Ðông Hải đã hoàn thành tất cả 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả 10 xã trong huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới và tiến tới mục tiêu đạt huyện nông thôn mới trong tương lai gần.