Tâm huyết với bài viết của Tổng Bí thư

Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của phát triển

TRẦN ÐÌNH TUYẾN - xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

TRẦN ÐÌNH TUYẾN - xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

Tôi tâm đắc với những phân tích khoa học và khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, nói chuyện với bà con thôn Kon Rơ Bang 2, xã Vinh Quang, TP Kon Tum tại nhà rông của thôn, tháng 4-2017. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, nói chuyện với bà con thôn Kon Rơ Bang 2, xã Vinh Quang, TP Kon Tum tại nhà rông của thôn, tháng 4-2017. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Có thể thấy, thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng của Ðảng, Nhà nước ta. Tổng Bí thư đã khẳng định, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.

Ðể thực hiện được những yêu cầu của Tổng Bí thư, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, nhất là người đứng đầu cần thường xuyên gần dân hơn, tổ chức nhiều kênh tương tác với nhân dân, đặc biệt là tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân và doanh nghiệp. Lấy hiệu quả công tác tiếp dân gắn với xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh làm căn cứ để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, xem xét hiệu quả lãnh đạo, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền. Ðồng thời qua đó đánh giá năng lực, phẩm chất, đạo đức, trách nhiệm, phong cách công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên.

Thực tế ở nhiều nơi cho thấy, việc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe nhân dân đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy được trí tuệ tập thể các cơ quan tham mưu. Gần dân giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ; xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Qua đó, nhân dân thêm tin Ðảng, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước; mạnh dạn tham gia ý kiến tâm huyết giúp địa phương giải quyết rốt ráo những vướng mắc, vấn đề nảy sinh từ cơ sở; hỗ trợ công tác điều hành của chính quyền, góp phần giúp Ðảng, Nhà nước kịp thời điều chỉnh, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, sát thực tiễn hơn.

Cùng với chú trọng tăng cường công tác đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, cần kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi không thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của địa phương về công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của người dân.