Trước đây, chúng ta có một số quan niệm đơn giản, dẫn đến chủ quan duy ý chí, ảnh hưởng tới quá trình phát triển đất nước, đó là: Đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất giữa kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản…
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và phát triển lý luận, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ với việc chỉ ra thời kỳ quá độ ở nước ta. Càng đi vào thực tiễn chỉ đạo, Đảng ta càng nhận thức rằng nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Đảng ta đã đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Có thể nói, việc nhận thức ngày càng đúng đắn, sâu sắc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành có hiệu quả công cuộc đổi mới đã thật sự đem lại những thay đổi to lớn, tốt đẹp cho đất nước. Nhất là, những thành tựu đổi mới đã chứng minh rằng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được bạn bè quốc tế đánh giá cao và ghi nhận tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Với những khó khăn từng trải qua và những thành tựu đã đạt được, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta vững tin bước tiếp chặng đường mới với quyết tâm hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội…
Trong quá trình đó, chúng ta cần ghi nhớ điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Và như đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.