Tâm huyết với bài viết của Tổng Bí thư

Hợp tác xã là mô hình kinh tế chủ lực của nông nghiệp, nông thôn

ĐÀO DUY THẠCH - Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên

ĐÀO DUY THẠCH - Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên

Qua nghiên cứu bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi đặc biệt tâm đắc với luận điểm “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Nông dân HTX rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) thu hoạch cà chua. Ảnh: QUANG ANH.
Nông dân HTX rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) thu hoạch cà chua. Ảnh: QUANG ANH.

Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển…”. Đây là khẳng định quan trọng về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác ở Việt Nam chúng ta.

Với Điện Biên - tỉnh miền núi, biên giới có hơn 90% số dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông - lâm nghiệp ở nông thôn, vùng núi thì mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác càng có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đóng góp nguồn thu vào ngân sách địa phương, đồng thời thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, từng bước tạo mối liên kết, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất và giữa cơ sở sản xuất với người dân.

Theo thống kê của Điện Biên, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 162 hợp tác xã (HTX) hoạt động theo năm lĩnh vực: nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; thương mại; vận tải, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 11.158 thành viên với mức thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm. Mỗi năm, các HTX tại tỉnh Điện Biên đóng góp hàng chục tỷ đồng vào ngân sách địa phương. Quan trọng hơn cả là với người lao động, khi tham gia HTX, họ có thêm nhiều cơ hội được đào tạo nghề, được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng quản trị. Hoạt động của HTX tại Điện Biên góp phần tạo sự ổn định kinh tế - chính trị trên khu vực biên giới.

Để HTX, tổ hợp tác ngày càng đóng góp hiệu quả hơn cho nền kinh tế, xã hội của Điện Biên và cho sự phát triển chung của đất nước, chúng tôi mong Chính phủ  xem xét, xây dựng, ban hành một số chính sách hỗ trợ cụ thể hơn, đặc thù hơn đối với HTX ở các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Hà Giang để tạo điều kiện thúc đẩy HTX, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế địa phương. Nguồn vốn là yếu tố quan trọng trong hoạt động của HTX.

Thời gian qua, nhiều HTX không thể tiếp cận vốn vay vì gặp khó khăn về cơ chế, thủ tục và không có tài sản thế chấp. Do vậy, rất cần Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn để HTX ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách ưu tiên đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Những nơi chưa có HTX, có thể phát triển tổ hợp tác để tổ chức sản xuất trên nhiều lĩnh vực, đa dạng ngành nghề, nâng dần thành HTX. Các địa phương có chính sách và định hướng, giải pháp cụ thể phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.