Vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong bài viết là vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất của cách mạng nước ta đã được xác định ngay từ khi Ðảng thành lập.
Ðã có rất nhiều cuộc hội thảo, bài viết của các nhà nghiên cứu tập trung phân tích về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhưng không ít vấn đề chưa được lý giải một cách thấu đáo. Cách phân tích, lập luận sắc bén, cách chứng minh bằng thực tiễn thuyết phục của Tổng Bí thư trong bài viết đã giúp chúng tôi hiểu rõ thêm nhiều nội dung, nhất là mục tiêu: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người...".
Ðó là câu trả lời mà chính tác giả nêu ở đầu bài viết ("Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội"), sau khi nêu những thành tựu; chỉ rõ những hạn chế của chủ nghĩa tư bản. Sự thật cho thấy, kinh tế tư bản chủ nghĩa có phát triển đến mấy cũng không thể giải quyết được, thậm chí nhiều khi làm sâu sắc thêm các mâu thuẫn, các vấn đề xã hội phức tạp mà đó là hệ quả của việc lấy lợi nhuận làm mục tiêu cao nhất, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất hằng ngày là thước đo văn minh.
Chúng tôi rất tâm đắc với lập luận của Tổng Bí thư và thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước đã chứng minh tính đúng đắn về con đường chúng ta lựa chọn. Trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, Ðảng ta luôn gắn liền với giải quyết các vấn đề xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, không để xảy ra bất bình đẳng xã hội; xây dựng một xã hội nhân ái, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị nhân văn,...
Ðể xây dựng "một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người", thiết nghĩ, việc làm đầu tiên là toàn Ðảng, toàn dân cần thống nhất là ý chí kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì nếu xa rời mục tiêu này sẽ dẫn đến chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Như thế cũng đồng nghĩa với việc không thực hiện được mục tiêu mà Tổng Bí thư đã nêu.
Một trong những thành tố quan trọng trong tiêu đề Ðại hội XIII của Ðảng là "tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới;… phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Theo đó, trong đổi mới, cần giữ vững nguyên tắc, đổi mới, sáng tạo nhưng phải kiên định; kiên định nhưng không bảo thủ, xơ cứng, cản trở sức sáng tạo; đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường nhưng phải bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong mọi đường lối, chính sách phải lấy con người làm trung tâm; từ nhu cầu giải phóng sức sáng tạo của con người, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân để hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện thật tốt chính sách ấy để phục vụ con người.
Một thực tế rất đáng quan tâm là trong nhiều năm qua, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, nhưng một số vấn đề bức xúc xã hội chậm giải quyết, như đạo đức nhiều lúc xuống cấp; tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để. Do vậy, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, từng ngành phải có chương trình hành động cụ thể, nhưng bảo đảm liên thông, đồng bộ giữa các lĩnh vực, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa các lợi ích. Như thế mới có một xã hội phát triển thật sự vì con người.