Đảng Cộng sản Pháp vui mừng trước sự phát triển kinh tế tích cực của Việt Nam

Đồng chí DENIS RONDEPIERRE  - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp

Đồng chí DENIS RONDEPIERRE - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp

Pháp và Việt Nam đã thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược và quan hệ song phương ngày càng được củng cố qua các năm. Đảng Cộng sản Pháp vui mừng trước sự phát triển kinh tế tích cực của Việt Nam và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, trong đó có đóng góp của quan hệ kênh Đảng.

Thành phố Hồ Chí Minh - khu vực kinh tế năng động của cả nước. (Ảnh: TTXVN)
Thành phố Hồ Chí Minh - khu vực kinh tế năng động của cả nước. (Ảnh: TTXVN)

Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp có nhiều đánh giá tương đồng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến các giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đã được nhắc lại nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Pháp mà Người là một thành viên sáng lập) cũng như cách nhìn nhận về hệ thống tư bản chủ nghĩa hiện tại và các cuộc khủng hoảng gắn liền với hệ thống.

Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel đã đánh giá, suy thoái kinh tế càng bị đẩy nhanh trong đại dịch Covid-19, đã khiến các bất bình đẳng xã hội trầm trọng thêm và bộc lộ rõ hơn các hạn chế của hệ thống tư bản chủ nghĩa cả trong tổ chức đời sống kinh tế và trong các dịch vụ công. Điều này đã được chứng minh tại Pháp với sự thất bại của hệ thống bệnh viện và y tế “suy yếu” từ nhiều năm nay vì lợi ích của tư nhân với mục tiêu sinh lợi trước mắt. Chính những nhóm dân cư nghèo khổ nhất phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất của các chính sách (theo đường lối) tân tự do và tình trạng thất nghiệp tăng cao.

Mô hình tư bản chủ nghĩa và quá trình tài chính hóa của nó đã tạo ra một môi trường quốc tế vô cùng nguy hiểm đe dọa hành tinh và người dân: khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy thoái về môi trường. Chủ nghĩa tư bản không có khả năng giải quyết các thách thức từ các cuộc khủng hoảng mà chính hệ thống của nó tạo ra. Các thách thức này là kết quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội đang diễn ra mà trong đó lợi nhuận được coi là mục tiêu tối thượng.

Những người cộng sản phải tìm ra mô hình phát triển riêng để đảm bảo lợi ích của tất cả mọi người, giải phóng xã hội và nhân loại. Các xã hội cần một sự phát triển phục vụ cho con người, chứ không phải một xã hội dựa trên việc tìm kiếm lợi nhuận và bóc lột làm phương hại đến phẩm giá của con người. Phát triển kinh tế chân chính phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân văn và đoàn kết chứ không phải một xã hội bị chi phối bởi cạnh tranh theo kiểu áp đặt luật pháp của kẻ mạnh và sự thống trị của một thiểu số đối với phần còn lại của thế giới.

Tình hình quốc tế hiện nay đang bất định và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các lực lượng phản động và tư bản đang tìm mọi cách kìm hãm quá trình giải phóng của các dân tộc bằng cách đặt họ vào các cuộc cạnh tranh khốc liệt. Các lực lượng này từ chối xây dựng một trật tự thế giới mới để bảo tồn vị trí bá chủ và ra sức giữ quyền kiểm soát đối với các nước mới nổi. Các cuộc chạy đua vũ trang, sự bùng nổ của các hợp đồng mua bán vũ khí đặt nhân loại vào nguy hiểm và chính bằng cách tấn công vào chủ nghĩa đa phương đã khiến hình thành các khối đối lập.

Chúng ta phải nhìn nhận lại về các quan hệ quốc tế và toàn cầu hóa. Phải đặt quan hệ đối tác và hợp tác bao trùm lên vị trí hàng đầu chứ không phải đặt các dân tộc vào cuộc chạy đua. Chúng ta đang sống trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và hành trình hướng đến sự tiến bộ luôn mang tính tập thể. Không một quốc gia nào có thể thành công một mình. Chúng ta cần đối thoại, cần các dự án chung lớn mà các thể chế quốc tế lớn như Liên hợp quốc và các cơ quan của nó có thể tham gia và đảm bảo.

Ngoài ra, tất cả các lực lượng tiến bộ cần phải phối hợp trên diện rộng phù hợp để giải quyết những thách thức lớn hiện nay như môi trường, an ninh lương thực, những vấn đề cấp bách cần quan tâm trong thời kỳ dịch bệnh này, hay cả an ninh toàn cầu và tập thể của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Nhờ một nền ngoại giao chủ động và xây dựng, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như vào việc duy trì các giá trị của Liên hợp quốc.

Năm 2020 là năm quan trọng vì Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch Thường trực luân phiên của ASEAN. Việt Nam đã rất nhanh chóng ưu tiên đưa việc phòng, chống dịch bệnh vào chương trình nghị sự của năm, với chủ đề là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, 2 yếu tố không thể thiếu để đương đầu với một năm ghi dấu bởi cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế do Covid-19.

Ngày 15/11/2020, trong ngày cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 37 của ASEAN (được tổ chức trực tuyến) dưới sự chủ trì của Việt Nam, sau 8 năm đàm phán khó khăn, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 10 nước ASEAN ký kết cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. 15 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia Hiệp định này chiếm dân số là 2,2 tỷ người. Đây được xem là một thành công về ngoại giao đối với Việt Nam.

Thêm nữa, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 4/2021 và đã đề xuất một chương trình nghị sự với 15 phiên họp công khai và 10 phiên họp kín về các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế như là tình hình Trung Đông, Syria, Yemen, Sudan, Nam Sudan, Mali, vùng Hồ lớn (châu Phi), Tây Sahara, Colombia và Kosovo.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua 4 hoạt động thảo luận mở do Việt Nam chủ trì thúc đẩy về các nội dung khắc phục hậu quả bom mìn (ngày 8/4), bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang (ngày 14/4), hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực (19/4) và bảo vệ hạ tầng thiết yếu ngày 27/4. Ngày 24/6, Việt Nam đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết của Liên hợp quốc chống lại cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính mà Mỹ áp đặt lên Cuba. Tất cả chứng minh vị thế ngày càng được khẳng định của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2020 cũng là một năm mang tính lịch sử với Việt Nam về mở cửa kinh tế. Ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực với mục tiêu xóa bỏ 99% thuế quan song phương trước năm 2030. Được ký cùng với Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), Hiệp định thương mại tự do đã được 63% số phiếu ủng hộ tại nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020.

Sau Singapore, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á thứ hai ký một Hiệp định thương mại tự do với Liên minh khu vực của 27 quốc gia thành viên châu Âu. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Hiệp định này sẽ giúp làm gia tăng xuất khẩu của Việt Nam thêm 12% trước năm 2030. Cùng với việc ký kết RCEP, Việt Nam sẽ sớm có quan hệ thương mại ưu tiên với 2 khu vực chiếm 50% GDP toàn cầu.

Đảng Cộng sản Pháp vui mừng trước sự phát triển kinh tế tích cực của Việt Nam và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, trong đó có đóng góp của quan hệ kênh Đảng.

Pháp có một lịch sử khá phức tạp với Việt Nam và quá trình bình  thường hóa quan hệ giữa hai nước đã diễn ra khá dài. Hiện nay, trao đổi thương mại giữa hai nước tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt (hàng không vũ trụ, dược mỹ phẩm, nông sản của Pháp vào thị trường Việt Nam và các sản phẩm điện tử và may mặc của Việt Nam vào Pháp). Rất nhiều doanh nghiệp Pháp đã lựa chọn đặt cơ sở tại Việt Nam để hướng đến thị trường nội địa (Việt Nam) và môi trường khu vực. Việt Nam hấp dẫn bởi mức tăng trưởng trung bình 7,2% trong suốt 10 năm và có vị trí địa chính trị trung tâm.

Pháp và Việt Nam đã thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược và quan hệ song phương ngày càng được củng cố qua các năm. Vào cuối năm 2020, Pháp là nhà đầu tư châu Âu thứ 3 tại Việt Nam, sau Hà Lan (xếp thứ 10) và Vương quốc Anh (xếp thứ 15). Pháp xếp vị trí 16 với 614 dự án với tổng số vốn là 3,6 tỷ USD. Ngoài quan hệ kinh tế và thương mại, các lĩnh vực hợp tác khác cũng phát triển tích cực đặc biệt trong thích ứng với biến đổi khí hậu mà Việt Nam chịu tác động mạnh. Việt Nam mong muốn phát triển hơn nữa năng lượng tái tạo trong khuôn khổ chính sách xanh được khởi đầu từ năm 2011. Pháp có thể hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trong khi Việt Nam đang nỗ lực giải quyết thách thức trong triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19, Pháp cần tham gia vào cung ứng vaccine và đấu tranh gỡ bỏ tác quyền sáng chế vaccine. Đối với hợp tác trong khuôn khổ Pháp ngữ, Việt Nam giữ vai trò then chốt trong quan hệ giữa châu Á và châu Âu. Quan hệ Pháp - Việt Nam được ghi dấu từ lâu bởi chất lượng quan hệ, bởi các trao đổi thường xuyên và bởi quan hệ đoàn kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp. Hai Đảng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa tăng cường và phát triển quan hệ để đạt được các mục tiêu cụ thể.