Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, kiên trì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đất nước ta có rất nhiều đổi thay đáng tự hào.
Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện; tình trạng nghèo đói giảm nhanh và giảm liên tục; nhiều vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng nâng cao… Với tiềm lực, vị thế của đất nước hiện nay, chúng ta hãy tự tin bước tiếp con đường mà Ðảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn và tin tưởng vào những bước tiến nhanh, vững chắc trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được chủ quan, tự mãn.
Trong bài viết quan trọng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, "xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Ðây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội".
Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những thành tựu, thì cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế, cùng với đó là những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước. Cụ thể như, chất lượng tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; môi trường ô nhiễm tại nhiều nơi. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn có những hạn chế. Văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ðiều đáng nói là, chúng thường thổi phồng những mặt còn hạn chế, thiếu sót của ta nhằm làm méo mó hình ảnh xã hội, tác động tiêu cực tới niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bởi vậy, mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao nhận thức chính trị, tỉnh táo, xem xét thấu đáo các sự kiện, hiện tượng tiêu cực để có thái độ tiếp cận đúng đắn, góp phần xử lý kịp thời, hiệu quả; đồng thời thúc đẩy lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, giá trị nhân văn trong xã hội. Cùng với đó, mỗi người không ngừng hoàn thiện bản thân cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tư duy, phong cách lề lối làm việc, để cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, có nền kinh tế phát triển. Trong đó, từng cá nhân là những chủ thể lao động hiệu quả, có trách nhiệm với xã hội, tư duy nhanh nhạy, sáng tạo, có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm vì mục tiêu chung của đất nước, vì lợi ích của nhân dân.
Ðể làm được điều đó, mỗi người, nhất là các đồng chí cán bộ, đảng viên cần có tầm nhìn mới trên cơ sở phát huy phẩm chất truyền thống của dân tộc, kết hợp không ngừng học hỏi nâng cao trình độ lý luận chính trị, trau dồi kiến thức trên các lĩnh vực và làm giàu kinh nghiệm thực tiễn.