Bài viết của Tổng Bí thư giúp chúng tôi thêm một lần nữa nắm vững hơn những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội dựa trên học thuyết Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam từ thực tiễn của đất nước ta. Từ góc nhìn văn hóa, chúng tôi rất tâm đắc với đánh giá của Tổng Bí thư: "Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Nội dung này luôn được bổ sung, hoàn thiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và các văn kiện của Ðại hội XI, XII, XIII của Ðảng.
Gần đây, Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng một lần nữa khẳng định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".
Ðể đạt được mục tiêu này, chúng ta cần củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng. Ðẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, chú trọng nâng cao đời sống văn hóa ở nông thôn, vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, cách mạng để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đồng thời gắn với sáng tạo những giá trị văn hóa mới phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Tăng cường giới thiệu, quảng bá văn hóa, văn học, nghệ thuật, đất nước con người Việt Nam với thế giới; đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp thực tiễn Việt Nam để phục vụ công chúng trong nước. Quán triệt quan điểm tinh thần chỉ đạo, gợi ý đó của Tổng Bí thư, thời gian tới, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Ðảng bộ huyện Tuyên Hóa tiếp tục quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Trước hết là việc đầu tư, hỗ trợ xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến thôn, bản để tạo thuận lợi cho các hoạt động văn hóa quần chúng.
Tiếp tục đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu và có hiệu quả thiết thực, xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị làm cho các giá trị văn hóa lan tỏa, thấm sâu vào mọi mặt đời sống xã hội. Ưu tiên nguồn lực và vận động xã hội hóa trong việc phục dựng các lễ hội, tôn tạo các di tích, phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.