Bài viết rất vững chắc về mặt lý luận, sâu sắc, sáng tỏ về những khó khăn và mâu thuẫn thực tại

Đồng chí ALEXANDER ENILINE - Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Thụy  Sĩ

Đồng chí ALEXANDER ENILINE - Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Thụy  Sĩ

Bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất vững chắc về mặt lý luận, sâu sắc, thấm thía và sáng tỏ về những khó khăn và mâu thuẫn thực tại, đồng thời, bài viết còn đề cập đến những khía cạnh chính của chủ nghĩa xã hội và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Chúng tôi đồng tình với đánh giá của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rằng những chính sách của chủ nghĩa tự do mới và sự gia tăng bất bình đẳng đi kèm chính là nguyên nhân của căng thẳng xã hội, một hình thức gay gắt hơn của cuộc đấu tranh giữa các giai cấp.

Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. (Ảnh:tuyengiao.vn)
Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. (Ảnh:tuyengiao.vn)

C. Mác đã từng viết trong Tuyên ngôn thành lập Hội Liên hiệp công nhân quốc tế như sau: “Kinh nghiệm của quá khứ chứng tỏ rằng thái độ coi thường sự liên minh anh em, - sự liên minh phải có giữa công nhân các nước khác và phải thúc đẩy họ kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng - sẽ bị trừng phạt bằng cách bắt những cố gắng phân tán của họ phải chịu sự thất bại chung”. (C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t.16, tr.21 - (B.T)

Trên tinh thần ấy, trước tiên, chúng tôi hoan nghênh Đảng Cộng sản Việt Nam đã có ý tưởng xuất bản ấn phẩm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng Cộng sản Việt Nam vì đã dành cho Đảng Lao động Thụy Sĩ vinh dự được đóng góp bài viết của mình trong ấn phẩm đó. Quả thực, chúng tôi coi chủ nghĩa quốc tế như một nguyên tắc chính yếu và chúng tôi đặc biệt chú trọng đến trao đổi ý kiến và hợp tác thân tình giữa các đảng cộng sản của các nước trên thế giới trong quá trình đấu tranh chung. Về công tác lý luận, đây là nhiệm vụ sống còn của một đảng cộng sản, vì thế chúng tôi rất hoan nghênh ý tưởng này của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Youri Andropov, Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên bang Xô-viết đã từng viết như sau trong bài Học thuyết C. Mác và một số vấn đề về xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Liên bang Xô-viết in trên tạp chí Kommounist (Người Cộng sản) phát hành năm 1983 - một bài viết mang tính xây dựng Đảng, có tiếng vang lớn thời ấy và xứng đáng được tiếp tục nghiên cứu trong thời đại ngày nay: “Kinh nghiệm của chúng ta cho thấy để đạt được thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thì chính sách của đảng cộng sản cầm quyền phải dựa trên cơ sở khoa học vững chắc. Mọi thái độ coi thường vai trò của khoa học Mác - Lê-nin và sự phát triển mang tính tiên phong của môn khoa học này, mọi sự diễn giải mang tính thực dụng hẹp hòi về các nhiệm vụ của môn khoa học này, mọi sự khinh suất các vấn đề cơ bản của lý luận, mọi coi trọng thái quá đối với những việc mang tính ngắn hạn hay mọi lý thuyết mang tính học thuật đều dẫn đến những hậu quả nặng nề về chính trị và tư tưởng”.

Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn các đồng chí đã chia sẻ bài viết của đồng chí Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi rất quan tâm đến bài viết này và đã chú tâm nghiên cứu. Bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất vững chắc về mặt lý luận, sâu sắc, thấm thía và sáng tỏ về những khó khăn và mâu thuẫn thực tại, đồng thời, bài viết còn đề cập đến những khía cạnh chính của chủ nghĩa xã hội và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy giữa chúng ta có sự tương đồng quan điểm trong hầu hết những phân tích về các xu hướng phát triển lớn của chủ nghĩa tư bản đương đại. Cũng như các đồng chí, chúng tôi thấy rằng những giáo điều về tự do mới, thí dụ như chính sách kinh tế mặc định vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, do các cường quốc đế quốc áp đặt lên thế giới đã tạo ra suy thoái nghiêm trọng. Chúng đã phá hủy những thành quả xã hội mà giai cấp công nhân gặt hái được từ những cuộc đấu tranh ác liệt của mình, chúng xâm phạm chủ quyền và các quyền của con người, chúng khoét sâu tình trạng bất bình đẳng xã hội và tập trung của cải vật chất vào tay một số ít người.

Chúng tôi đồng tình với đánh giá của đồng chí Nguyễn Phú Trọng rằng những chính sách của chủ nghĩa tự do mới và sự gia tăng bất bình đẳng đi kèm chính là nguyên nhân của căng thẳng xã hội, một hình thức gay gắt hơn của cuộc đấu tranh giữa các giai cấp. Khẩu hiệu của phong trào “99 chống lại 1” nếu không hoàn toàn chính xác về mặt khoa học, cũng có ưu điểm như những con số biết nói, mang tính hình tượng cao và thật sự cần thiết, giống như cái nồi nấu kim loại, trong đó mọi thứ kim loại quyện lấy nhau để hình thành nên một mặt trận nhân dân chống chủ nghĩa độc quyền, chống lại thiểu số ít ỏi những người nắm trong tay tư bản.

Chúng tôi cũng đồng tình với đánh giá cho rằng, những chính sách tự do mới không giải quyết được các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản và rằng những mâu thuẫn đó không thể được giải quyết trong khuôn khổ lỗi thời của chủ nghĩa tư bản. Cũng tương tự đối với cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế, xã hội, dân chủ hiện nay do đại dịch Covid-19 gây ra, Đảng Lao động Thụy Sĩ theo dõi sát sao diễn biến và nỗ lực phân tích cuộc khủng hoảng này ở những góc độ chính yếu. Chúng tôi cho rằng, dịch bệnh chỉ là giọt nước tràn ly, là mồi lửa châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng vốn đã âm ỉ và cuộc khủng hoảng này là khủng hoảng hệ thống tích lũy tư bản quá mức.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã hoàn toàn có lý khi cho rằng “Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó (Ý chỉ phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa). Theo nhiều nhà khoa học phân tích, các cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không thể được giải quyết một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa”. Đồng chí cũng đúng khi nói rằng những khủng hoảng nói trên “làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình phát triển vốn xưa nay được coi là thời thượng, được không ít các chính khách tư sản ca ngợi, được các chuyên gia của họ coi là tối ưu, hợp lý”.

Chúng tôi chúc mừng Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra, không nóng vội và không lùi bước trước những cám dỗ cơ hội. Về mặt này, phải nhấn mạnh đến sự vững vàng về tư tưởng trong bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Những thành tựu mà Việt Nam gặt hái trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội rất đáng chú ý, đặc biệt về phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, mặc dù Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi đặc biệt hoan nghênh nguyên tắc của các đồng chí, nguyên tắc cơ bản và đúng đắn, theo đó đặc biệt “không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội”. Chúng tôi hiểu phân tích của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá rằng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, rằng Việt Nam chưa phải là nước xã hội chủ nghĩa hoàn toàn, mà là đang quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau tất cả, việc xây dựng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ lâu dài và phức tạp, là cả một quá trình lịch sử.

Vậy còn đối với chúng tôi, thế nào là chủ nghĩa xã hội? Trước tiên, chủ nghĩa xã hội là khát khao bao đời của nhân loại, là niềm hy vọng của các tầng lớp bị áp bức từ khi xã hội có phân tầng, là niềm hy vọng của nhân loại được giải thoát khỏi mọi xiềng xích, là ước mơ về xã hội không có áp bức, bóc lột, không có tầng lớp thống trị, không bị chi phối bởi quyền lợi ích kỷ của một nhóm người, tiến tới một xã hội vận hành trên cơ sở hợp tác thông minh và tự nguyện của mọi công dân, vì lợi ích của mọi người. Chủ nghĩa xã hội cũng tương tự như Jean Jaurès đã viết trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội và cuộc sống, xuất bản năm 1910: “Nơi nào con người còn bị phụ thuộc, số phận của họ còn bị phó mặc cho kẻ khác, nơi nào ý chí không được tự do phục vụ cho mục tiêu xã hội, nơi nào mà một cá nhân vì bị bắt buộc hoặc do lề thói mà phải chịu khuất phục trước luật lệ của kẻ khác không vì lý do gì, thì nơi đó nhân loại còn lầm than và đau khổ”.

Từ một khát vọng, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã nâng chủ nghĩa xã hội lên thành một môn khoa học, một hành trình tích cực và một phong trào thực sự, bằng cách phân tích những mâu thuẫn khách quan của chủ nghĩa tư bản và đề xuất giải pháp khắc phục những mâu thuẫn ấy. Từ khi nổ ra Cách mạng Tháng Mười Nga, nhiều nước đã chọn cho mình con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mặc dù rất nhiều trong số ấy cuối cùng lại quay trở về với chủ nghĩa tư bản. Họ chọn cho mình những giải pháp khác nhau để đạt đến xã hội chủ nghĩa, xây dựng những mô hình kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa riêng biệt, có hướng phát triển đa dạng, tùy vào đặc điểm kinh tế, xã hội của từng nước, tùy vào xuất phát điểm, đặc trưng về lịch sử và văn hóa hay thậm chí tùy vào sức sáng tạo riêng của mỗi nhà lãnh đạo, mỗi đảng và người dân của nước ấy.

Theo chúng tôi, lựa chọn chủ nghĩa xã hội sẽ không có ý nghĩa gì nếu không nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học do C. Mác và Ph. Ăng-ghen xây dựng và do những nhà tư tưởng mác-xít sau này phát triển lên. Và càng không có ý nghĩa nếu chúng ta không tự phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học để ứng phó với những thách thức thời đại, không nghiên cứu kinh nghiệm của những nước từng nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội và đã thành công theo các cách khác nhau.

Chủ nghĩa xã hội là mô hình sản xuất tiếp sau chủ nghĩa tư bản. Những đặc trưng cụ thể của một nền kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa phụ thuộc vào điều kiện đặc biệt về thời gian và không gian. Và sự quyết tâm đi lên chủ nghĩa xã hội trở thành một vấn đề lý luận rộng lớn và phức tạp, là một quá trình sáng tạo không ngừng.

Ngày nay, chủ nghĩa xã hội trở thành nhu cầu cấp bách. Tình trạng nóng lên của khí hậu do các hoạt động của con người gây ra giờ đã đạt mức tăng 1oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hậu quả để lại đã được dự báo trước và có tính tàn phá ghê gớm. Thời gian còn quá ít để hành động. Cần áp dụng những biện pháp triệt để nhằm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong vài năm tới để không cho nhiệt độ trái đất tăng quá 1,5oC, bởi lẽ nếu trên ngưỡng đó, những phản tác động của hiện tượng này sẽ gây hậu quả nặng nề, khó lường và bất khả kháng. Khí hậu không phải là vấn đề duy nhất của thảm họa sinh thái vì ngoài nó ra, còn có vấn đề ô nhiễm, sự xuống cấp của đa dạng sinh học, của thổ nhưỡng, nhu cầu quá lớn đối với kim loại khan hiếm và các mỏ kim loại rồi sẽ sớm bị cạn kiệt với tốc độ khai thác hiện nay... Dù biết thảm họa là kinh khủng và trầm trọng, dù đã có những giải pháp nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự dấn thân trên con đường mà chúng ta cần phải đi để giải quyết vấn đề.

Tuy Đảng Lao động chỉ có sức ảnh hưởng hạn chế ở Thụy Sĩ, và cho dù triển vọng thay đổi sâu sắc hãy còn xa xôi, chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu của chúng tôi.

Đảng Lao động Thụy Sĩ cũng không coi chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cuối cùng. Theo đúng tư tưởng kinh điển của chủ nghĩa Mác, chúng tôi cho rằng chủ nghĩa xã hội là một giai đoạn quá độ, có thể kéo dài cả một thời kỳ lịch sử. Trong giai đoạn đó, nhiều tàn dư của chủ nghĩa tư bản vẫn tiếp tục tồn tại và từng bước được khắc phục. Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn thấp hơn của chủ nghĩa cộng sản - mục tiêu cuối cùng của cuộc đấu tranh của chúng tôi - một xã hội không còn giai cấp mà ở đó tất cả những mâu thuẫn của những xã hội có phân chia giai cấp sẽ được giải quyết triệt  để.

Mặc dù chủ nghĩa cộng sản là một mục tiêu còn xa mới đạt tới nhưng chúng ta không bao giờ được sao nhãng mục tiêu đó. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội vốn rất lâu dài, chúng ta cần luôn lấy chủ nghĩa cộng sản làm lý tưởng chi phối, làm thước đo để đánh giá xem chúng ta có đi đúng hướng hay không.

Về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, đây là một vấn đề khó và phức tạp. “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn đã cho phép tạo ra phát triển kinh tế vượt bậc và tiến bộ xã hội ngoạn mục. Vì lẽ đó, lựa chọn ấy là đúng đắn và hẳn là cần thiết sau sự tan rã của Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, sẽ là sai lầm khi nói chủ nghĩa xã hội nhưng lại không xem xét những kinh nghiệm thực tiễn về chủ nghĩa xã hội, những khác biệt và đặc thù của những kinh nghiệm ấy. Do vậy, chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm của những nước đã lựa chọn kết hợp chủ nghĩa xã hội với thị trường, theo phương thức này hay phương thức khác, trong đó có kinh nghiệm của Việt Nam.

Ở Thụy Sĩ, vấn đề đặt ra hơi khác: Thụy Sĩ có lẽ không cần đến giai đoạn phát triển để khắc phục sự tụt hậu về kinh tế nhưng phải tập trung giải quyết vấn đề sở hữu tiểu tư sản - của nông dân, người hành nghề độc lập, chủ doanh nghiệp nhỏ, thợ thủ công - và lồng ghép vấn đề đó vào chủ nghĩa xã hội.

Quan hệ giữa thị trường và chủ nghĩa xã hội đặt ra nhiều vấn đề lý luận. Điều không thể phủ nhận là trong giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại một số yếu tố tiền xã hội chủ nghĩa, nhiều hình thức sở hữu và nhiều quan hệ thị trường. Dưới góc độ này, hoàn toàn đúng khi nói: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”.

Nhận định sau đây của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là hoàn toàn khoa học và đúng đắn: “Đảng ta nhận thức rằng, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ quá độ, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế”.

Điều quan trọng là cuối cùng các nhân tố xã hội chủ nghĩa phải thắng thế, bởi nếu ngược lại thì phần thắng sẽ thuộc về các nhân tố tư bản chủ nghĩa. Chúng tôi hoan nghênh quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc “xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”, một xã hội mà ở đó “con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”. Cách nhìn này về chủ nghĩa xã hội hoàn toàn tương đồng với cách nhìn của Đảng Lao động Thụy Sĩ.

Chúng tôi cũng chia sẻ mối quan tâm về bảo vệ môi trường và thực hiện bình đẳng giới. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao việc Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng vai trò của văn hóa. Như đồng chí Constantin Tchernenko, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từng viết trong Chiến lược của Lê-nin trong công tác lãnh đạo, phát triển văn hóa là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và không thể thiếu để giải phóng con người và xây dựng xã hội mới: “Công việc này cũng hết sức quan trọng, bởi vì cuộc sống liên tục đón nhận thêm những thế hệ người mới, thế hệ công nhân mới. Để có thể trở thành những người làm chủ vận mệnh của mình, các thế hệ công nhân mới ấy cần nghiên cứu sâu sắc tư tưởng, tác phong, đạo đức của các thế hệ đi trước đã đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Kinh nghiệm của các thế hệ đi trước được thể hiện trong khoa học mác-xít - lê-nin-nít của chúng ta. Mỗi thế hệ mới cần nghiên cứu sâu, chuyển hóa những kiến thức có được thành niềm tin vững chắc, thành quan điểm tích cực trong cuộc sống. Không chỉ phải học tập hệ tư tưởng khoa học mà còn phải thấm nhuần tất cả những tri thức của nhân loại. Đó không phải là một trách nhiệm công dân thuần túy văn hóa mà là một nhiệm vụ chính trị. Lê-nin đã dạy, không giải quyết được vấn đề này thì không thể trở thành người cộng sản thực thụ”.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”.

Dân chủ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đương nhiên phải có những đặc điểm khác với dân chủ dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Hoàn toàn đúng khi cho rằng dân chủ phải giúp đạt tới đồng thuận và thực hiện những lợi ích chung chứ không phải là sự cạnh tranh giữa những lợi ích riêng. Tuy nhiên, ngay cả dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, điều đó không được phép ngăn cản việc mỗi cá nhân cần được bảo vệ trước những hành vi chủ quan có thể có của nhân viên nhà nước. Dân chủ, dù là đồng thuận, vẫn đòi hỏi quyền tự do trong các tranh luận dân chủ, đòi hỏi phải bảo đảm người dân được thực hiện trên thực tế các quyền dân chủ của họ. Chính vì vậy, nhiệm vụ xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa khác về chất so với nhà nước pháp quyền tư bản tự do, là một nhiệm vụ then chốt. Về điểm này, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh giai cấp dưới chế độ tư bản chủ nghĩa cũng như trong công cuộc cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội cho đến thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản, đảng cộng sản, tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân, cần giữ vai trò trung tâm và không thể thay thế. Điều này càng đúng khi mà vũ khí tốt nhất của giai cấp công nhân trước giai cấp tư bản chính là sức mạnh tổ chức của họ.

Chúng tôi cho rằng, định nghĩa về đảng cộng sản được thông qua tại Đại hội lần thứ II của Quốc tế Cộng sản vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay: “Đảng Cộng sản là đảng của giai cấp công nhân, giai cấp tiến bộ nhất, giác ngộ nhất và, do đó, cách mạng nhất. Đảng cộng sản được thành lập trên cơ sở lựa chọn tự nhiên những công nhân tốt nhất, giác ngộ nhất, tận tâm nhất, sáng suốt nhất. Đảng Cộng sản không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của tất cả giai cấp công nhân. Đảng khác biệt ở chỗ có cái nhìn tổng quan, xuyên suốt về con đường lịch sử của toàn bộ giai cấp công nhân và ở mọi khúc cua trên con đường đó, đảng luôn nỗ lực bảo vệ không phải là lợi ích của một vài nhóm riêng biệt mà là lợi ích của toàn thể giai cấp công nhân. Xét dưới góc độ chính trị và tổ chức, Đảng Cộng sản là đòn bẩy để bộ phận tiến bộ nhất của giai cấp công nhân lãnh đạo toàn bộ những người vô sản và bán vô sản đi theo con đường đúng”.

Những thách thức mà một đảng cộng sản cầm quyền phải đối mặt đương nhiên rất khác với những thách thức mà một đảng đối lập như chúng tôi gặp phải. Một đảng cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam có những thuận lợi hơn, nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn gắn liền với việc thực thi quyền lực. Trong số các thách thức đó, có thể kể đến nguy cơ tham quyền lực, suy thoái về tư tưởng, sự xuất hiện của những phần tử cơ hội. Cảnh giác cách mạng là vô cùng cần thiết trước những tệ nạn đó, vốn đã làm cho không ít đảng cộng sản gặp phải thất bại.

Chúng tôi tin tưởng rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đủ bản lĩnh thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình đến cùng. Nhưng thực tiễn của một đảng cộng sản không chỉ là những khó khăn, những nguy cơ và nhiệm vụ hằng ngày. Một đảng như Đảng của các bạn hay Đảng của chúng tôi luôn còn là chỗ gửi gắm một khát vọng lớn, một ước mơ lớn về tương lai. Như đồng chí Constantin Tchernenko đã từng nói tại hội nghị ngày 28/5/1984 (“Sống, làm việc và chiến đấu theo lời dạy của Lê-nin”): “Có lẽ các đồng chí đều đã nghe nói rằng chủ nghĩa lãng mạn và những ước mơ là của riêng tuổi trẻ, sẽ tan biến khi người ta già đi. Rằng những lo toan hằng ngày sẽ không nhường chỗ cho ước mơ, khát vọng hay lý tưởng cao cả.

Vâng, điều đó đúng với một số người. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải là quy luật của tự nhiên. Ít nhất, quy luật ấy không cần và không thể tồn tại ở đất nước chúng ta”.

“Chúng ta sống theo một nguyên tắc khác, nguyên tắc của những người cách mạng, nguyên tắc mà Lê-nin đã để lại cho chúng ta. Lời khuyên mà Người đã đưa ra cho những chiến sĩ tranh đấu để xây dựng một xã hội mới, đó là: “Cần biết ước mơ”. Thời tuổi trẻ hay khi đã trưởng thành và cho đến tận cuối đời, Lê-nin luôn biết mơ ước, tạo cảm hứng và truyền tải ước mơ. Ước mơ lớn nhất của Người là tương lai Tổ quốc ta đi lên chủ nghĩa cộng sản. Ước mơ đó vẫn còn đó trong tâm trí, trong trái tim và trong hành động của nhân dân Liên Xô. Chúng ta chưa từng từ bỏ và sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ đó”.

-------------

Đầu đề do chúng tôi đặt (B.T).