Bài viết của Tổng Bí thư phân tích toàn diện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam

Báo Thế giới trẻ (Jungewelt) của Đức số ra ngày 12/8 đăng hai bài của tác giả Gerhard Feldbauer về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đánh giá bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc và toàn diện con đường mà Việt Nam đã lựa chọn từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Một bài viết trên báo mạng Thế giới trẻ (Jungewelt) viết về Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Một bài viết trên báo mạng Thế giới trẻ (Jungewelt) viết về Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Theo TTXVN, trong bài báo thứ nhất với nhan đề “Về các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội”, tác giả dẫn bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan và là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thật sự cho tất cả mọi người. Nhà báo Đức cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách Đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài báo thứ hai đề cập những thành tựu trên các mặt kinh tế - xã hội - giáo dục,... ở Việt Nam, đặc biệt kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986. Theo nhà báo Gerhard Feldbauer, sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, Việt Nam đã mở rộng hợp tác với các nền kinh tế tư bản nhằm thu hút đầu tư, bảo đảm nhập khẩu và tiếp cận với các thị trường xuất khẩu mới.

Việt Nam đã từng bước thiết lập các thỏa thuận hợp tác song phương, gia nhập Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Việc ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp Việt Nam có thể mở rộng vị thế là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN. Giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam cao gấp nhiều lần so với nhập khẩu và đây là minh chứng cho thấy, Việt Nam không những là nhà cung cấp nguyên liệu mà còn là công xưởng sản xuất quan trọng.

Nhà báo Gerhard Feldbauer nhấn mạnh rằng, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam từ một nước nông nghiệp đang vươn mình trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Với tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 6% đến 8%, Việt Nam thuộc nền kinh tế phát triển mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Viện thống kê Statista, nếu năm 2002, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 550 USD thì năm 2019 đã tăng lên 3.400 USD, cho thấy mức lương trung bình và tối thiểu đã tăng lên trong khi tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức thấp.

Người dân Việt Nam giờ đây đã có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nguồn cung cấp thực phẩm cơ bản được bảo đảm, thanh niên được tạo mọi cơ hội học tập. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam có hơn 5,1 triệu đảng viên, trong đó 60% là thanh niên, đã phủ nhận quan điểm phổ biến ở phương Tây cho rằng, giới trẻ Việt Nam không quan tâm đến chủ nghĩa xã hội.