Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công trình nghiên cứu có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, định hướng con đường phát triển của chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong thời gian tới và vạch ra một lộ trình phát triển cho Việt Nam. Bài viết đã phân tích, dẫn chứng làm sáng tỏ nhiều vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam một cách rất hệ thống, đầy đủ, toàn diện.
Điểm then chốt, luận điểm chính của bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đó là mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải là mô hình mà “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm 3 phần chính: phần thứ nhất tác giả phân tích tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường phát triển của Việt Nam đồng thời đề cập đến việc Đảng ta có những nhận thức mới về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với những thay đổi và thực tiễn thời đại. Trong phần thứ hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết thực tiễn tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, khẳng định tính đúng đắn của con đường đã chọn, cũng như giá trị rất quan trọng của nó trong công cuộc đổi mới của nước ta. Trong phần thứ ba của bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra những nhiệm vụ trong thời gian tới. Có thể nói, bài viết của Tổng Bí thư như là một bản luận cương về chủ nghĩa xã hội, vạch ra lộ trình phát triển của chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bài viết của Tổng Bí thư đã cho thấy Đảng ta khẳng định tính tất yếu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, mà mục đích cuối cùng là xây dựng một xã hội mà con người là trọng tâm, là chủ thể, bản chất của xã hội là dân chủ và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát đó là “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người... sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội... một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn... sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai... một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân...”.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thành công nếu chúng ta một mặt kiên định đi theo con đường đó, mặt khác biết tiếp thu có chọn lọc những giá trị, văn minh thời đại, bổ sung có chọn lọc những gì tốt đẹp nhất để học thuyết về chủ nghĩa xã hội vừa mang đặc trưng Việt Nam vừa mang hơi thở của thời đại.